Báo động về ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm nước lợ

Trà Vinh là một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cữu Long có diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm là 19.000 ha đem lại sinh kế cho hơn 18.000 lượt hộ dân và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế cần có giải pháp khắc phục, nhất là vấn đề ý thức bảo vệ môi trường của người dân khu vực nuôi tôm.

Hệ thống ao nuôi tôm được xử lý đúng quy chuẩn

Theo tài liệu khoa học thì nuôi tôm nước lợ là một trong những nghề gây tác động xấu đến môi trường nếu người dân không thực hiện triệt để các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường theo quy định. Trong quá trình nạo vét bùn đáy để cải tạo ao nuôi tôm hàng năm, chất thải với vô số các loại hóa chất, kháng sinh còn tồn dư trong đất bị thải trực tiếp ra môi trường. Khi xảy ra dịch bệnh gây chết tôm, nước ao tôm với các mầm bệnh nguy hiểm cũng được thải trực tiếp vào môi trường gây khó khăn cho các hộ nuôi khác khi lấy phải nguồn nước bị nhiễm bệnh trước vụ nuôi mới. Mầm bệnh từ ao nuôi tôm thải ra môi trường, rồi mầm bệnh vào ao nuôi tôm khác tạo thành cái vòng lẫn quẩn khiến người nuôi tôm ngày càng khó khăn.

Qua quá trình sản xuất cho thấy, việc người nuôi tôm không xử lý chất thải thải ra môi trường có ảnh hưởng rất lớn đế sản xuất. Cụ thể dịch bệnh trên tôm ngày càng tăng, tình trạng tôm chết ngày càng xuất hiện ở nhiều địa phương và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nguyên nhân là do trong quá trình cải tạo ao nuôi tôm thì có hộ sử dung hóa chất để cải tạo ao với các loại hóa chất thông dụng như: vôi, Iodin, chloris, saponin... Cá biệt có một số nông dân sử dụng cả thuốc trừ sâu để diệt giáp xác trong quá trình cải tạo ao nuôi, nhất là các hộ nuôi tôm bị thua lỗ, không còn vốn đầu tư cho khâu cải tạo, xử lý ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật mà cơ quan chức năng đã khuyến cáo.

Việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm gây mất an toàn thực phẩm và dẫn đến suy thoái môi trường ao nuôi tôm. Kết quả khảo sát cho thấy có nhiều hộ nuôi tôm sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh với mục đích giúp tôm phát triển tốt, còn việc các loại hóa chất, kháng sinh đó có tác động đến môi trường như thế nào, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ra sao thì không ai quan tâm. Đó là chưa nói đến chuyện nhiều người dân sử dụng cả những loại kháng sinh nằm trong danh mục cấm sử dụng.

Hiện nay quy định về bảo vệ môi trường và các hành vi nghiêm cấm gây ô nhiểm môi trường trong thủy sản được quy định rất rỏ ràng và có mức xử lý khá nặng. Tuy nhiên để môi trường vùng nuôi được bảo vệ tốt thì yếu tố quyết định vẫn là ý thức của từng người nuôi tôm. Cụ thể là người dân cần xây hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi tôm nước lợ đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hệ thống kênh mương cấp nước và thoát nước phải riêng biệt để hạn chế lây lan mầm bệnh. Trong quá trình nuôi tôm nước lợ, người dân phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi.... Đối với thủy sản nuôi kết hợp như; Tôm- lúa, Lúa – tôm và các mô hình sản xuất, canh tác bền vững, thân thiện với môi trường phải bố trí đúng tỉ lệ diện tích đất, nước mặn, vật nuôi và cây trồng theo đúng quy định và hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Hoạt động sên vét bùn cải tạo ao nuôi phải tiến hành đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chức năng, đúng lịch thời vụ, lịch điều tiết nước của tỉnh.... Tùy thuộc vào địa hình quy mô và loại hình hoạt động mà sử dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và vệ sinh thú y. Hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét cải tạo thường xuyên đảm bảo không để bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất của khu vực.

Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng công nghệ hợp lý, không để gò rỉ và phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiểm môi trường, hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên, nước thải sau khi được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. Chất thải phát sinh trong nuôi trồng thủy sản phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp, đối với lượng bùn thải và xác động vật nuôi phải được thu gom và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất canh tác trong khu vực.

Cần xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, đặc biệt khi có dịch bệnh xảy ra. Tuyệt đối không xả thẳng ra môi trường bên ngoài, nước thải phải được chứa ở kênh thải và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra ngoài. Nước trong kênh thải phải được xử lý lắng ít nhất 1 tuần. Chất thải rắn như: rác, tôm chết... trong quá trình nuôi được thu gom và để đúng nơi quy định, rác thải của các ao bị bệnh cần đốt bỏ, tôm chết do bị bệnh và giáp xác cần được thu gom triệt để và tiêu hủy đúng nơi quy định, không vứt xác động vật chết và thực vật chết xuống hệ thống nuôi./.

Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 1 Bình luận / 01/ 12/ 2016

Bình luận

arsuxllpic

03/14/2021 23:29:54

Muchas gracias. ?Como puedo iniciar sesion?

Viết bình luận