Đề phòng dịch bệnh thủy sản trong mùa mưa lũ

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2016, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường; bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có thể nhiều hơn năm trước; hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết không theo quy luật có chiều hướng gia tăng và có khả năng xảy ra siêu bão, bão mạnh, lũ lớn, khiến diện tích các vùng nuôi trồng thủy sản có nguy cơ ngập úng cao, gây thất thoát tôm, cá và thiệt hại cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột khiến thủy sản sinh trưởng và phát triển kém. Vì vậy, bà con nông dân cần chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, lũ lụt, để bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa bão.

Trong các đợt mưa bão thường có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa và đây là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Nếu công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản không được thực hiện tốt, khi có sự trao đổi nước giữa các thủy vực tự nhiên và vùng nuôi thủy sản sẽ làm lây lan các mầm bệnh phổ biến cho cá nuôi như các bệnh do ký sinh trùng (bệnh trùng bánh xe, trùng quả dưa, nấm thủy mi, rận cá, bệnh đóng rong ở tôm…), các bệnh do vi khuẩn, vi rút (bệnh ghẻ hay còn gọi là bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột, đốm trắng, hoại tử gan tụy...).

Để chủ động bảo vệ thủy sản, giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất do mưa bão gây ra, người nuôi cần thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân là do đâu, nếu là do thiếu ô xy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, giảm lượng thức ăn, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 3kg/m3 nước để làm sạch nước. Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh; theo dõi thời tiết nhất là những tháng chuyển mùa và những ngày chuyển trời để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn.

Bên cạnh đó, người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho thủy sản nuôi như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 - 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc sử dụng dầu mực nhằm bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều.

Đối với ao nuôi cá, sau mỗi lần thay nước người nuôi phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột (vôi nông nghiệp) với liều lượng 2-3kg/100m3nước. Người nuôi tôm cần chủ động dự trữ các loại vôi, hóa chất, chế phẩm sinh học, men vi sinh dùng để xử lý môi trường nước. Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn, độ trong… để có biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cần rải vôi bột xung quanh bờ ao; sau các trận mưa lớn nên rút bớt nước tầng mặt hoặc bổ sung nước mặn từ ao chưa lắng/xử lý (nếu có điều kiện) và chạy quạt/sục khí để hạn chế hiện tượng phân tầng nước trong ao nuôi. Đồng thời bổ sung khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá nuôi.

Đối với nuôi tôm, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi. Nếu không thực sự cần thiết, người nuôi không nên sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào ao nuôi tôm, mà lấy nước qua ao lắng và xử lý nước trước khi bơm vào ao nuôi tôm. Người nuôi cũng cần bổ sung men tiêu hóa, khoáng chất trong khẩu phần thức ăn tôm nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng, chống chịu các điều kiện thời tiết bất thường. Khi có hiện tượng bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Ngoài ra, người nuôi cũng cần bảo đảm môi trường ao nuôi cho cá, tôm bằng các biện pháp hóa dược như sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi. Có thể sử dụng chất khác như Zeolite bón vào 3 tháng cuối chu kỳ nuôi để chúng hấp thu các độc tố (NH3, H2S) và kim loại nặng, liều dùng 1-2kg/100m3, định kỳ 10 ngày/lần.

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), người nuôi cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…) vùng nuôi, vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày.

Đối với nuôi cá lồng, bè cần sử dụng chất khử trùng treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Sử dụng vôi bột đựng trong bao tải treo ở đầu nguồn nước hoặc khu vực cho ăn trong các lồng bè. Treo túi cách mặt nước khoảng 1/3 - 1/2 độ sâu của nước trong lồng/bè. Liều lượng sử dụng là 2 - 4 kg vôi/10m3 nước. Khi vôi tan hết lại tiếp tục treo túi khác. Hoặc sử dụng hóa chất có thành phần chính là Tricloisoxianuric axit đựng trong túi vải treo trong lồng, bè . Liều lượng sử dụng là 50g/10m3nước, khi thuốc tan hết thì bổ sung thuốc mới.

 

Tác giả: admin

Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 27/ 10/ 2016

Viết bình luận