Quảng Bình: Phục hồi nuôi trồng thủy sản sau sự cố môi trường biển
Quảng Bình là một trong 4 địa phương tại miền Trung chịu tác động nặng nề từ sự cố môi trường biển, nên để khôi phục lại nghề nuôi trồng thủy sản là cả một quá trình dài và cần sự chung tay từ nhiều phía.
Do ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển Formosa xảy ra từ tháng 4 vừa qua, rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Bình phải hứng chịu hậu quả nặng nề với hơn 1.500 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Với sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương đến nay đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm giúp người dân 4 tỉnh vượt qua khó khăn cũng như chuyển đổi sinh kế cho người dân. Hiện người dân ven biển của tỉnh Quảng Bình đang dần khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Tại huyện Quảng Ninh, một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản của Quảng Bình, đã triển khai thực hiện tốt các chính sách đền bù và chỉ đạo các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện để người dân trên toàn huyện bước vào vụ nuôi trồng mới. Mô hình nuôi cá lồng tại đây tiếp tục mở rộng và phát triển từ đầu vụ của năm 2016, chủ yếu ở các xã Duy Ninh, Hàm Ninh, thị trấn Quán Hàu, Vĩnh Ninh, Võ Ninh..., với số lồng bè nuôi là 163 lồng (tăng so cùng kỳ năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã thu hoạch; tuy nhiên, việc tiêu thụ chậm và thu nhập thấp hơn khá nhiều so cùng kỳ đã ảnh hưởng đến việc tái đầu tư nuôi mới của đại đa số các hộ nuôi.
Tại xã Ngư Thủy Bắc đã có 42 chủ hộ nuôi tôm với diện tích trên 20 ha đất, chủ yếu là người từ nơi khác đến thuê đất. Vừa qua, địa phương đã thực hiện đền bù đợt 1 cho 18 hộ, những hộ còn lại sẽ tiếp tục chi trả trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều mà họ băn khoăn nhất hiện nay chính là mức độ an toàn của nước biển. Theo đó, để tránh những ảnh hưởng từ nước biển, các hộ nuôi tôm đã đầu tư xây dựng nhiều bể lọc nước cũng như tăng thêm các biện pháp xử lý nước bằng vi sinh, khử clo để đảm bảo an toàn.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, so với cùng thời điểm này năm ngoái thì số hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đã giảm đi đáng kể, cũng vì các hộ nuôi còn lo sợ sau sự cố môi trường biển vừa qua. Ngoài ra, nguồn vốn để đầu tư còn hạn hẹp. Hiện nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đang có ý định sẽ nuôi trở lại khi nhận được tiền bồi thường.
Để đẩy mạnh chương trình khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, đại diện UBND huyện Quảng Ninh thông tin, Quảng Ninh đã có quy hoạch đầu tư dự án phát triển các vùng nuôi công nghiệp, bán công nghiệp; tập trung đầu tư cho các vùng đã được quy hoạch, chuyển đổi; chú trọng sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đã được quy hoạch, xây dựng. Cùng đó, huyện cũng chỉ đạo các địa phương vận động người dân nuôi trồng theo mô hình cá - lúa đã đầu tư ở các xã như: Gia Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Lương Ninh, An Ninh và Võ Ninh; khuyến khích người dân mở rộng địa bàn nuôi cá lồng trên sông ở những địa phương có điều kiện như: Lương Ninh, Quán Hàu, Hiền Ninh, Vĩnh Ninh, Duy Ninh và Trường Xuân...
Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Bình có 5.100 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động. Trong đó, đối tượng nuôi mặn lợ chủ yêu là tôm thẻ chân trắng; ngoài ra là tôm sú, cua, cá mặn lợ. Đối tượng nuôi nước ngọt truyền thống như trắm cỏ, rô phi, chép... Hiện người dân đang đầu tư nuôi tôm thâm canh, phát triển các vùng nuôi tập trung và áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều hình thức nuôi mới được người dân áp dụng như nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa, nuôi trong bể xi măng; nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ bãi triều. Các đối tượng nuôi như cá chim vây vàng, cá dìa, bống bớp, cá lăng chấm, rô đầu vuông... góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững.
Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 15/ 12/ 2016