Vì đâu ngành nuôi trồng thủy sản suy yếu?
Là một trong những quốc gia đóng góp lớn về sản lượng thủy sản toàn cầu, nhưng vị thế cạnh tranh của thủy sản Việt Nam đang dần suy yếu do chậm đổi mới công nghệ và dịch bệnh.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, mặc dù là một trong những quốc gia có đóng góp lớn về sản lượng thủy sản toàn cầu, tuy nhiên, Việt Nam đang mất dần vị thế cạnh tranh do chậm đổi mới công nghệ cũng như dịch bệnh hoành hành.
Hiện ngành nuôi trồng thủy sản nước ta đang đối diện với những thách thức lớn như diện tích nuôi trồng tăng nhanh nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng; sản xuất quy mô nhỏ nông hộ chiếm tỷ lệ cao; tổ chức sản xuất khép kín thành chuỗi chưa nhiều, nên không chủ động kiểm soát chất lượng; giá đầu vào thức ăn, con giống, năng lượng, vận chuyển vẫn rất cao.
Bên cạnh đó, cũng chính vì sản xuất nhỏ lẻ nên khó áp dụng công nghệ mới, chưa tạo được chuỗi sản phẩm gắn kết với thị trường nên giá cả không ổn định. Đồng thời, vấn đề biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng nuôi trồng thủy sản.
Theo bà Trần Thị Thu Hà - Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã được một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn ứng dụng, đạt năng suất khá cao, như công nghệ thâm canh cá tra đạt năng suất 300 - 350 tấn/ha/vụ, tôm thâm canh có thể đạt 10 - 12 tấn/ha/vụ. Các doanh nghiệp này cũng đã có công nghệ siêu thâm canh trong hệ nuôi tuần hoàn khép kín hoặc bioflock, đạt năng suất tới 50 tấn/ha/vụ. Sản xuất giống nhân tạo đã chủ động nguồn giống cho các đối tượng nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, chất lượng giống bố mẹ của một số loài quan trọng như tôm sú, tôm he vẫn phải phụ thuộc chủ yếu từ khai thác tự nhiên hoặc nhập nội tôm chân trắng bố mẹ, chất lượng cá tra bố mẹ cần được nâng cao.
Vấn đề tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thủy sản hiện cũng đang gặp khó. Theo các chuyên gia, mặc dù đóng góp của ngành vào tỷ trọng xuất khẩu khá lớn nhưng chính sách đầu tư thủy lợi và ưu đãi về vốn cho thủy sản không đáng kể. Hiện nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thủy sản hầu hết là ngắn hạn và dưới 20% nhu cầu thực tế.
Để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, Chính phủ cần có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nuôi một cách cụ thể hơn về vấn đề quy hoạch vùng nuôi, quy trình và công nghệ nuôi, vốn đầu tư…
Xu hướng tiêu dùng của người dân toàn cầu đã thay đổi, người tiêu dùng đang chuyển dần từ ăn thịt sang ăn cá vì cá có nhiều vitamin và ít chất béo. Theo ông Roger Gilbert - cựu Tổng thư ký Liên đoàn thức ăn công nghiệp Quốc tế, với tỷ trọng thủy hải sản khai thác đánh bắt gần như không tăng trong những năm qua, trong khi nguồn thực phẩm từ thịt không đủ cung ứng, đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành nuôi trồng thủy sản để đổi mới và đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng.
Để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng cần tập trung vào việc đầu tư hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đối phó với biến đổi khí hậu; quy hoạch lại hệ thống nhà máy chế biến thủy sản phù hợp với từng vùng sản xuất nguyên liệu, từng thị trường; tổ chức sản xuất giống chất lượng cao, công nghệ nuôi, chế biến xuất khẩu… gắn với liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Đặc biệt, một quy trình chất lượng đồng bộ và khép kín sẽ giúp thủy sản Việt Nam đáp ứng được yêu cầu chất lượng của những thị trường khó tính.
Tác giả:
Công ty TNHH Khoáng Sản Xanh / 0 Bình luận / 09/ 11/ 2016